top of page
Ảnh của tác giảTrang Vũ Lê Đài

Lễ hội Âm nhạc Cổ điển Việt Nam và những con số đáng nhớ!


Với sự tham gia của 13 Nhà tài trợ, đơn vị đồng hành, Lễ hội Âm nhạc Cổ điển Việt Nam 2024 là lễ hội âm nhạc cổ điển sôi động lần đầu tiên được tổ chức tại Đà Lạt kéo dài 8 ngày và mang đến những không gian ấn tượng, độc đáo, dễ tiếp cận để thưởng thức và trải nghiệm cho hơn 3,000 khán giả.

Fanpage chính thức: https://www.facebook.com/vcmf.vn


Lễ hội Âm nhạc Cổ điển tại Đà Lạt - Vietnam Classical Music Festival 2024 (VCMF) đã khai mạc vào 10/3/2024 (chủ nhật) và kéo dài đến hết ngày 17/3/2024 (chủ nhật). Chương trình được tổ chức trong suốt một tuần lễ với: chuỗi hòa nhạc hòa tấu thính phòng, hòa nhạc hoàng hôn, triển lãm tranh trong đối thoại âm nhạc, kết hợp Âm nhạc & Hội Họa, hòa nhạc lớn tại Nhà hát Opera Đà Lạt, hội thảo chuyên đề, workshop hòa tấu, hòa nhạc học sinh, âm nhạc & trình diễn ánh sáng, hát Opera,... Với tần suất khoảng 3 hoạt động/ngày liên tục tại các địa điểm trong nhà và ngoài trời độc đáo trên khắp thành phố Đà Lạt, chuỗi sự kiện truyền cảm hứng này đã thu hút gần 3,000 lượt khán giả tham dự. 


Lễ hội Âm nhạc Cổ điển tại Đà Lạt - Vietnam Classical Music Festival 2024 là một sáng kiến của VYMI (Vietnam Youth Music Institute) cùng VietFest nhằm thực hiện các sáng kiến gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực Âm nhạc, phát huy văn hóa và sự sáng tạo, làm dày các hoạt động nghệ thuật tại Đà Lạt đồng thời gióng lên hồi chuông thúc đẩy các hoạt động Âm nhạc cổ điển sẵn có tại Đà Lạt nói riêng và âm nhạc, nghệ thuật tại Đà Lạt nói chung. 

 

Loạt sự kiện trình diễn âm nhạc cổ điển đa dạng - thu hút

Lấy chủ đề chung là Âm nhạc cổ điển, lễ hội Âm nhạc Cổ điển tại Đà Lạt - Vietnam Classical Music Festival 2024 bao gồm:


  • Chuỗi hòa tấu chất lượng cao và đặc sắc của các nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam, Quốc tế: loạt đêm nhạc độc tấu Piano được biểu diễn bởi 2 pianist tài năng của thế giới - Tim Allhoff và Liao Hsin Chiao, pianist Nguyễn Đức Anh, hòa tấu kèn đồng và kèn gỗ độc đáo từ Hanoi Brass Community và Woodwind Quintet, hòa nhạc thính phòng cùng Schubert in a Mug,.. 

  • Chuỗi hòa nhạc hoàng hôn đã mang khán giả đến những địa điểm độc đáo, nhỏ nhắn tại Đà Lạt để khám phá thiên nhiên trong lúc cùng khám phá thưởng thức hòa nhạc từ nghệ sĩ bộ gõ đa tài Kyle Acuncius và pianist Vũ Hoàng Cương tài năng. 

  • Triển lãm loạt tác phẩm lần-đầu-được-công-bố của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm - một trong “tứ trụ” của Mỹ thuật Đông Dương. Trong khuôn khổ khai mạc triển lãm, hai nghệ sĩ tài năng Trần Lê Bảo Quyên và Trần Lê Quang Tiến từ Đức trở về Việt Nam đã trình diễn các tác phẩm Âm nhạc cổ điển song hành với tranh trong triển lãm nhằm mang đến cho khán giả trải nghiệm thưởng ngoạn vẻ đẹp của đối thoại Đông - Tây, của bột màu, giấy dó mỏng manh, sâu sắc với cấu trúc chặt chẽ và đồ sộ của Âm nhạc phương Tây. Cuộc đối thoại của sự động trong tĩnh này hy vọng đã mở ra những góc nhìn đa chiều và đối chiếu thú vị về văn hóa cho người xem.

  • Hòa nhạc lớn với Dàn nhạc Giao hưởng trẻ Việt Nam - dàn nhạc trẻ đa quốc tịch đầu tiên tại Việt Nam song hành với một trưng bày nhỏ về nhạc cụ giao hưởng đầy tính tương tác giúp khán giả cộng đồng có thể hiểu hơn về Âm nhạc cổ điển theo cách thức rất thú vị

  • Các master class cùng workshop thú vị dành cho các bạn trẻ yêu thích các nhạc cụ âm nhạc từ kỹ năng cơ bản đến chuyên nghiệp có cơ hội được gặp gỡ, học hỏi và được hướng dẫn bởi các nghệ sĩ/nhóm nghệ sĩ danh tiếng. 

  • Các hội thảo chuyên đề giúp các chuyên gia kết nối, khơi gợi các ý tưởng đột phá và mô hình sống động về Âm nhạc cổ điển có thể được hiện thực hóa sau này.




Thông qua hàng loạt chương trình âm nhạc tràn đầy hứng khởi, tập trung vào trải nghiệm dành cho khán giả cùng các hoạt động thưởng thức, khám phá, giao lưu, học hỏi phù hợp với nhiều đối tượng người dân, khách du lịch ở nhiều độ tuổi, tầng lớp, trình độ, hiểu biết, lễ hội đã giúp cho công chúng cảm nhận được niềm vui và có những điểm chạm đầy hứng khởi, thân thiện với Âm nhạc cổ điển. Đồng thời, nâng cao năng lực và kỹ năng thưởng thức Âm nhạc - nghệ thuật cho người dân, từ đó thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục và hưởng thụ văn hóa nghệ thuật (âm nhạc). Đây cũng là mục tiêu, sáng kiến của thành phố Đà Lạt trong lộ trình khẳng định vị thế là Thành phố Âm nhạc của UNESCO trong thời điểm hiện tại.  


Âm nhạc cổ điển vang lên ở mọi nơi có cuộc sống ở Đà Lạt


Nhấn mạnh về tính cởi mở, Lễ hội Âm nhạc Cổ điển tại Đà Lạt - Vietnam Classical Music Festival 2024 đã phá vỡ định kiến về âm nhạc cổ điển, đem những giai điệu tinh hoa được lan tỏa ra bên ngoài những khán phòng trang trọng và vang lên tại khắp Đà Lạt bao gồm: các khán phòng trong nhà có sức chứa từ 50 người như Phố Bên Đồi, đến nhà hát 900 ghế ngồi như Đà Lạt Opera House, địa điểm ngoài trời, hòa mình vào thiên nhiên như Cung đường nghệ thuật ở đường Lý Tự Trọng. Thông qua các không gian âm nhạc cởi mở và thân thiện với tất cả mọi người, lễ hội đã tạo dựng nên những cuộc gặp gỡ truyền cảm hứng giữa Âm nhạc cổ điển với người dân và du khách, góp phần củng cố hệ thống mạng lưới không gian sáng tạo nhờ tổ chức các hoạt động nghệ thuật - biểu diễn Âm nhạc tại các địa điểm quen thuộc, công cộng tại Đà Lạt, từ đó góp phần xây dựng nên bản đồ nghệ thuật của Đà Lạt. 



Âm nhạc cổ điển chất lượng cao đến từ các nghệ sĩ nổi tiếng kết hợp cùng nhiều màu sắc trẻ trung, sống động


Góp mặt trong Lễ hội Âm nhạc Cổ điển tại Đà Lạt - Vietnam Classical Music Festival 2024 là Tim Allhoff là một nghệ sĩ piano và nhà soạn nhạc nổi tiếng, anh từng đạt nhiều giải thưởng đẳng cấp thế giới với loạt tác phẩm nhạc phim nổi đình đám và là nhân vật nổi bật trong nền âm nhạc nước Đức. Xuất hiện trong chương trình hòa nhạc hoàng hôn là Kyle Acuncius - một nghệ sĩ bộ gõ đa tài có sự nghiệp âm nhạc phong phú, Kyle Acuncius đã đem đến những màn trình diễn ấn tượng và mới lạ dành cho công chúng. Và một nữ pianist người Đài Loan được đánh giá cao trên các khán phòng hòa nhạc của thế giới - pianist Hsin-Chiao Liao. 




Đại diện cho nền Âm nhạc Cổ điển Việt Nam là Sông Hồng Ensemble bao gồm ba nghệ sĩ gạo cội: nghệ sĩ violin Phạm Trường Sơn, cello Đào Tuyết Trinh và piano Phạm Quỳnh Trang. Tham gia cùng là Trưởng Khoa Piano tại Học viện Âm nhạc và trình diễn Nghệ thuật SOUL (SMPAA) - Nghệ sĩ piano Blüthner Nguyễn Đức Anh, pianist Vũ Hoàng Cương, violinist Lê Minh Hiền và nghệ sĩ viola quen thuộc - Phạm Vũ Thiên Bảo





Cùng nhau, họ đã đem đến những đêm nhạc chất lượng cao và ấn tượng dành cho cộng đồng. Thông qua đó, làm giàu đời sống tinh thần và trải nghiệm văn hóa dành cho người dân. Đồng thời khẳng định vị thế là một Thành phố Âm nhạc của Đà Lạt trong lòng du khách. Đây cũng là dịp để cộng đồng yêu nhạc cổ điển nói chung và các bạn đang theo đuổi nhạc cụ nói riêng tại Đà Lạt được sống trọn với đam mê của mình. 

 

Bên cạnh các nghệ sĩ tài năng nổi tiếng trong làng Âm nhạc cổ điển của Việt Nam và thế giới, Lễ hội Âm nhạc Cổ điển tại Đà Lạt - Vietnam Classical Music Festival 2024 còn có sự tham gia của các nghệ sĩ trẻ tài năng đầy triển vọng của đất nước: “thần đồng violin” Trần Lê Quang Tiến, nữ nghệ sĩ piano tài năng Trần Lê Bảo Quyên. Cùng các nhóm nghệ sĩ trẻ năng động Hanoi Brass Community, KOMOS Opera, Miracle Trio, Schubert in a Mug, the 6th Floor Quintet, và đặc biệt là Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ Việt Nam. 




Sự xuất hiện của những làn gió trẻ trung và tràn đầy năng lượng này đã đem đến những tác phẩm âm nhạc cổ điển kinh điển có sức mạnh lay động nhiều thế hệ. Cùng với sự cống hiến và màu sắc âm nhạc tươi mới của mình đã đem đến một trải nghiệm âm nhạc cổ điển tràn đầy cảm hứng, kết nối các thế hệ và tôn vinh, cổ vũ cho một tương lai sôi động của nền âm nhạc cổ điển tại Việt Nam. 


Kết, 

Lễ hội Âm nhạc Cổ điển tại Đà Lạt - Vietnam Classical Music Festival 2024 là một trong những điểm nhấn đặc biệt của Đà Lạt trong năm 2024 dành cho người dân, khách du lịch và cả các nghệ sĩ tại Việt Nam và thế giới. Những mong đã góp phần tạo nên sự gắn kết hài hòa giữa nghệ thuật và đời sống người dân, tô điểm không gian âm nhạc sáng tạo của Đà Lạt đồng thời đóng góp tích cực vào chiến lược văn hóa đối ngoại quốc gia trong thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Thông qua những trải nghiệm âm nhạc cổ điển tràn đầy cảm hứng dành cho cộng đồng, những hạt giống yêu thích Âm nhạc cổ điển được nảy nở trong lòng cuộc sống đồng thời cổ vũ các dự án sáng tạo nghệ thuật vì cộng đồng của thế hệ trẻ, hướng tới xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho Việt Nam và thế giới.






15 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page